Giảm thiểu rác thải trong trường học: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
VHO - Hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, dạy các em cách phân loại rác thải, lồng ghép vào giờ học tuyên truyền, thực hiện sáng kiến có ích để bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống xanh... đang là những hoạt động tích cực mà các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng hướng tới.
Những “góc xanh” được bố trí trong phòng học tại Trường THCS Lê Đình Chinh
Từ thói quen đến ý thức
Tại Trường THCS Nguyễn Huệ, Ban Giám hiệu đã xây dựng chương trình Thực hành xanh cho học sinh, bao gồm các hoạt động theo dõi, chăm sóc và bảo vệ cây cối; tổ chức dọn dẹp, chăm sóc không gian xanh trong trường, ở gia đình; sáng tạo thêm các góc cây cảnh; sáng kiến về bảo vệ môi trường; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường ngoài trường học… Cùng với đó, phát động các cuộc thi viết khẩu hiệu tuyên truyền, thơ, vẽ, làm phim hoạt hình, sáng chế các mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại rác thải hoặc các sản phẩm tái chế từ rác thải. Giáo viên có nhiệm vụ tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ về giữ gìn và chăm sóc cây xanh trong lớp, bồn hoa, vườn rau, từ đó, giáo dục học sinh có ý thức tự giác giữ gìn môi trường mọi lúc, mọi nơi. Nhờ được tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, các em không chỉ tích cực tham gia bảo vệ môi trường tại trường, lớp học mà còn chủ động tham gia hoạt động thu gom, phân loại rác gây quỹ ủng hộ từ thiện tại khu dân cư, nhiều em đã được tổ dân phố đề nghị với nhà trường tuyên dương khen thưởng.
Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cho biết: “Nhà trường không bố trí thùng rác quanh trường, vì nội quy là không mang đồ ăn vào trường, lớp. Thời gian xảy ra dịch Covid-19, trường khuyến khích các em chuẩn bị bình nước cá nhân từ nhà chứ không mua nước, đồ uống đóng chai. Thùng rác chỉ để ở căng tin để các em cùng với nhân viên, thầy cô giáo phân loại rác ngay từ đầu, kết hợp với ý thức của học sinh nên phân loại rác rất tiết kiệm thời gian, tránh việc dồn ứ mất vệ sinh, đồng thời đảm bảo cảnh quan của trường. Trường cũng tổ chức tuyên truyền để cha mẹ học sinh nhận thức đúng về việc xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn và tích cực. Chính nhờ những hoạt động kết hợp giữa nhà trường, khu dân cư và gia đình mà ý thức, kiến thức của các em về bảo vệ môi trường được nâng cao”, thầy Phước chia sẻ.
Tại Trường THCS Lê Đình Chinh (Đà Nẵng), ngoài các tiết học tuyên truyền lồng ghép tìm hiểu về kiến thức bảo vệ môi trường tại lớp, trong tiết chào cờ đầu tuần, thầy cô giáo sẽ tổ chức cho học sinh vừa chăm sóc cây xanh, vừa nhặt và phân loại rác thải, dạy các em cách tưới cây làm sao cho đủ mà vẫn tiết kiệm nước, dạy các em không bẻ cành, hái hoa mà phải cùng nhà trường bảo vệ cây cối... Đặc biệt, sáng kiến “Tiếng trống môi trường” được thực hiện đều đặn, phân công các lớp trực vệ sinh hằng ngày, buổi sáng đánh trống xong, lớp nào trực sẽ đi nhặt rác quanh trường. Dù các cô lao công đã dọn vệ sinh nhưng sẽ vẫn có những góc còn rác. Khi tham gia nhặt, các em dần tạo được ý thức không xả rác bừa bãi. Trong những giờ chào cờ, thầy cô cũng dành nhiều thời gian tuyên truyền về những hành vi nên làm và không nên làm trong việc bảo vệ môi trường.
Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Đình Chinh cho biết, những hoạt động nhỏ này đã tác động vào ý thức các em rất nhiều, bây giờ khi ăn bán trú xong, các em không còn vứt rác ra sàn nhà, đường đi, mà đã biết bỏ rác vào thùng phân loại xong mới ra ngoài rửa tay đi chơi. Qua vườn cây thuốc Nam, thầy cô giáo dạy các em phân biệt những loại cây có ích có thể dùng làm thuốc. “Dù có những cây rất đẹp nhưng có hại, có gai góc thì trường cũng không trồng, mục đích chính không chỉ tạo ngôi trường xanh, sạch, đẹp mà còn tạo môi trường an toàn cho các em. Những mảng xanh của trường cũng có sự đóng góp không nhỏ của phụ huynh, Nhà trường tận dụng những mảng xanh đã có, sau đó phát triển thêm, tuy nhiên cây xanh cần được cắt tỉa thường xuyên để không ảnh hưởng đến độ sáng khi các em học bài”, cô Nguyệt chia sẻ.
Trường THCS Nguyễn Huệ không bố trí thùng rác mà thực hiện phân loại rác bảo vệ môi trường ngay từ đầu
Khuyến khích các hoạt động xanh
Tháng 11.2023, TP Đà Nẵng tiếp nhận Chương trình Thành phố sạch, Đại dương xanh (CCBO) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua các mục tiêu về giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường. Một trong những nội dung chính của chương trình là triển khai thí điểm mô hình Trường học xanh, chủ đề Giảm rác thải với 20 trường học tại 5 quận, huyện (Hải Châu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và Hòa Vang). Trong đó, khuyến khích các hoạt động xanh như giảm nhựa (sử dụng hộp, làn nhựa… khi đi chợ; tái sử dụng túi nilon, chai nhựa…); làm đồ dùng học tập, đồ chơi từ các đồ cũ; thu gom rác tái chế; thu gom riêng rác thải điện tử như pin cũ. Chương trình đã thu hút khoảng 10.000 học sinh hưởng ứng tham gia; cung cấp thông tin, tập huấn về các giải pháp giảm rác trong trường học cho hơn 700 giáo viên.
Theo mục tiêu của chương trình về giảm thiểu rác thải trong môi trường sống, các trường học tổ chức nhiều hoạt động nâng cao, giáo dục ý thức cho học sinh như: Cuộc thi Đại sứ xanh, Rung chuông vàng, lồng ghép chủ đề rác thải vào các tiết học, hoạt động trên lớp, sinh hoạt dưới cờ…, kết hợp thực tiễn với thực hành như nhận biết, phân loại rác thải, kiểm kê rác, làm sạch và thu gom vỏ hộp sữa...
Nhiều sáng kiến hiệu quả đã được các trường triển khai, có thể kể đến Trường THPT Mai Đăng Chơn (Ngũ Hành Sơn), nhóm học sinh nòng cốt tham gia phân loại, kiểm kê rác thải hằng tuần kết hợp với hoạt động giao lưu, tìm hiểu các loại rác có thể tái chế vào giờ nghỉ giữa giờ; Trường THPT Phạm Hồng Thái (Ngũ Hành Sơn) thực hiện làm men vi sinh bản địa, ủ rác hữu cơ và chăm sóc vườn trường; Giải bóng đá không sử dụng nhựa dùng một lần của Trường THCS Đặng Thai Mai (Cẩm Lệ) và Trường THPT Trần Văn Ơn (Hải Châu), trong đó học sinh cam kết sử dụng bình nước cá nhân trong suốt giải đấu; Ngày hội tái chế, đổi rác lấy quà được phát động rộng rãi tại các Trường THCS Lê Anh Xuân (Liên Chiểu), Trường THPT Ngô Sĩ Liên (Liên Chiểu), Trường THPT Phan Phu Tiên (Liên Chiểu), Trường THPT Lê Văn Hiến (Ngũ Hành Sơn)... Việc triển khai thí điểm Trường học xanh là một trong những hợp phần quan trọng của chương trình Thành phố sạch, đại dương xanh tại Đà Nẵng, qua đó thúc đẩy công tác quản lý các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung, góp phần xây dựng mục tiêu Thành phố môi trường mà Đà Nẵng đang hướng tới.
MINH CHÂU